Vảy Nến Thể Mảng: Nguyên Nhân, Các Cách Điều Trị Và Lưu Ý

Vảy nến thể mảng là một trong những loại bệnh về da mãn tính rất phổ biến hiện nay. Căn bệnh này gây ra sự khó chịu không hề nhỏ và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Cùng chúng tôi tìm hiểu về loại vảy nến này cũng như cách đối phó bệnh trong bài viết dưới đây.

Bệnh vảy nến thể mảng là gì?

Bệnh vảy nến là một vấn đề rối loạn tăng sinh tế bào và viêm trên bề mặt da khiến hàng rào bảo vệ cứng lại. Thông thường, các tế bào da cũ sẽ tự chết đi, vỡ ra và các tế bào da mới thế chỗ. Nhưng ở người bị vảy nến, quá trình thay thế tế bào chết sẽ nhanh gấp 10 lần, điều này sẽ ngăn cản tế bào cũ và mới thay thế lẫn nhau, tích tụ thành mảng đỏ trên da. Những vùng da tổn thương được tách biệt khỏi vùng da khỏe mạnh và có xu hướng lan rộng nếu không được điều trị đúng cách.

vay nen the mang
Vảy nến thể mảng chiếm đến 80% trường hợp bị vảy nến

Vảy nến có nhiều thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đặc điểm và vị trí thương tổn. Trong đó vảy nến thể mảng là loại phổ biến nhất (chiếm 80% tổng số trường hợp các ca bệnh vảy nến) với vùng da bị bệnh có khả năng lan rộng khắp cơ thể. 

Vùng da bị bệnh vảy nến thể mảng có đường kính từ 2 – 20cm. Các khu vực phổ biến nhất của cơ thể bị nhiễm bệnh là các điểm áp lực như đầu gối, khuỷu tay và da đầu. Các triệu chứng của bệnh vảy nến thể mảng bao gồm: 

  • Thương tổn trên da có màu đỏ như bị bỏng.
  • Bề mặt da đóng vảy trắng như sáp nến.
  • Da nứt và chảy máu.
  • 50% người bị vảy nến thể mảng bị ngứa ở nhiều mức độ.

Vảy nến thể mảng rất phổ biến với nhiều trường hợp các triệu chứng đã xuất hiện và kéo dài trong nhiều năm. Đặc điểm của căn bệnh này là tính chất dai dẳng và lâu dài. Mặc dù bệnh vảy nên không gây hại nghiêm trọng đế sức khỏe nhưng bệnh có xu hướng tiến triển suốt đời và trở thành bệnh mãn tính. Hiện nay, việc điều trị và phòng ngừa căn bệnh này còn gặp nhiều khó khăn.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng ảnh hưởng đến phác đồ điều trị vảy nến thể mảng. Tùy theo mục đích của kế hoạch điều trị, bệnh nhân có thể được chia thành các giai đoạn nghiêm trọng: 

  • Tổn thương nhẹ: khi bề mặt da bị tổn thương chiếm dưới 10% bề mặt da. Tình trạng này được đánh là vảy nến ở mức độ nhẹ.
  • Tổn thương nặng: Tương ứng với vảy nến mức độ trung bình đến nặng. Vùng da bị ảnh hưởng chiếm 10% hoặc hơn bề mặt cơ thể.

Để đánh giá mức độ tổn thương, bạn có thể sử dụng bàn tay để ước lượng. Trong đó, toàn bộ lòng bàn tay, bao gồm cả các ngón của một bàn tay, tương ứng với 1% bề mặt. Ngoài ra, bệnh vảy nến mảng bám có tổn thương khớp cũng được xếp vào dạng nặng. Lúc này, bệnh nhân phải được thăm khám kỹ lưỡng và quyết định phương pháp điều trị vảy nến có kèm theo điều trị cơ xương khớp hay không. 

Nguyên nhân và nguy cơ gia tăng bệnh vảy nến thể mảng

Vảy nến nói chung và vảy nến thể mảng nói riêng là vấn đề gây ra bởi hệ thống miễn dịch và nhiều yếu tố nguy cơ khác. Hệ thống miễn dịch của con người sẽ hoạt động bằng cách phát hiện và tiêu diệt các chất lạ có hại như virus và vi khuẩn. Khi hệ thống miễn dịch bị chế ngự, nó sẽ tấn công sai cách các tế bào biểu bì, khiến các tế bào da phát triển nhanh gấp 10 lần bình thường. 

Thông thường quá trình thay thế tế bào chết của cơ thể mất 28 – 30 ngày, nhưng sau khi mắc bệnh quá trình này sẽ bị rút ngắn chỉ còn 3 – 4 ngày. Điều này sẽ khiến da chết tích tụ trên bề mặt da gây viêm nhiễm, sưng tấy, đóng vảy trắng dẫn đến vảy nến. 

Bệnh vảy nến rất khó chữa khỏi hoàn toàn cũng như xác định được nguyên nhân chính xác, một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh vảy nến ở người bệnh đó là: 

  • Yếu tố di truyền: Nếu tiền sử gia đình có bố hoặc mẹ từng mắc bệnh vảy nến thì con cái cũng có khả năng cao mắc bệnh căn bệnh này.
  • Vết thương, trầy xước da: Bệnh vảy nến dễ phát triển nơi da bị thương, trầy xước nhẹ. 
  • Thời tiết: Khi trời lạnh, da trở nên khô và vảy nến xuất hiện nhiều hơn. Thời tiết ấm áp, ẩm ướt có xu hướng làm cho bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nặng thêm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng hoặc viêm amiđan có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến.
  • Một số yếu tố khác: Lo lắng, căng thẳng mãn tính, uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc, người dùng thuốc điều trị huyết áp cao và rối loạn lưỡng cực, người bị nhiễm HIV và các bệnh lý về hệ miễn dịch cũng khiến bệnh vảy nến nặng hơn. 
vay nen the mang
Di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ mắc vảy nến

Vảy nến thể mảng có lây không? Có gây nguy hiểm không?

Bệnh vảy nến mảng bám không phải do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, vì vậy mọi người có thể chắc chắn rằng nó sẽ không lây truyền từ người sang người. Các triệu chứng của bệnh chỉ gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý xử lý bệnh hay chủ quan khi bệnh xuất hiện mà nên tìm cách điều trị để tránh nguy cơ phát sinh những vấn đề sức khỏe khác.

Nếu không được điều trị kịp thời mà để bệnh bùng phát không kiểm soát, bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm như:

  • Nguy cơ suy thận và một số bệnh rối loạn chuyển hóa.
  • Thay đổi nội tiết tố. 
  • Các vấn đề về tim mạch, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao ở người bệnh,…
  • Các vấn đề về mắt như viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, các vấn đề về mắt,…
  • Về mặt tâm lý bệnh vảy nến mảng bám có thể khiến người bệnh mặc cảm, ngại giao tiếp, xấu hổ và ngại tiếp xúc với những người xung quanh. 

Phương pháp điều trị đối với vảy nến thể mảng

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh vảy nến nói chung và bệnh vảy nến thể mảng nói riêng. Việc điều trị các tổn thương da do vảy nến gây nên còn tùy thuốc vào tình trạng bệnh của từng cá nhân. Điều quan trọng là quá trình điều trị cần được điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn bệnh và hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc. 

Sau đây là một số phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng cho bệnh vảy nến thể mảng bệnh nhân có thể tham khảo:

Điều trị bằng thuốc

Đối với hầu hết bệnh nhân, bước đầu tiên khi điều trị vảy nến là lựa chọn giữa việc dùng thuốc bôi da và thuốc uống toàn thân. Phương pháp điều trị trên có thể giúp giảm triệu chứng và có thể giảm liều lượng thuốc toàn thân cần thiết. Bệnh vảy nến mảng bám nhẹ thường được điều trị bằng các loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc bôi ngoài da: Thuốc bôi, bao gồm bổ sung vitamin D, corticosteroid tại chỗ, thuốc chứa retinoid,… Trong đó, vitamin D là lựa chọn điều trị hàng đầu, chúng ngăn chặn sự tăng sinh biểu bì, giảm quá trình sừng hóa ở bệnh nhân vảy nến thể mảng. Tuy nhiên, khi sử dụng cần chú ý đến thành phần trong đơn vì nếu vượt quá liều lượng tối đa 100g/tuần có thể gây quá liều canxi cho bệnh nhân. Corticoid tại chỗ thường được sử dụng do có khả năng chống viêm và ức chế miễn dịch tốt. Cần lưu ý không được dừng sử dụng thuốc đột ngột và theo dõi tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra còn có các loại thuốc chứa retinoid (cần chú ý khi dùng do có khả năng gây kích ứng), kem salicylic,… để làm mềm da. 
  • Thuốc uống toàn thân: Thuốc uống toàn thân được cân nhắc khi bệnh nhân có tổn thương da nặng hoặc có liên quan đến vảy nến thể khớp. Các liệu pháp toàn thân bao gồm methotrexate, retinoid, cylosporin hoặc sinh học. Trong đó, tác nhân sinh học được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh vảy nến mảng bám là adalimumab, etanercept, infliximab,…

Việc sử dụng thuốc bôi da và thuốc uống thường sẽ giúp cải thiện các triệu chứng trong vòng một vài tuần. Bệnh nhân bị vảy nến mảng lớn hoặc thể khớp vẫn sẽ cần sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ da liễu. Khi sử dụng thuốc toàn thân, người bệnh vẫn cần điều trị bổ trợ bằng các loại thuốc bôi da kể trên hoặc nếu cần có thể kết hợp với liệu pháp ánh sáng. 

vay nen the mang
Vảy nến thể mảng có thể được điều trị bằng một số loại thuốc tân dược

Dùng liệu pháp ánh sáng để điều trị vảy nến thể mảng

Bệnh nhân có hơn 10% diện tích cơ thể bị ảnh hưởng thường được điều trị bằng đèn chiếu hoặc liệu pháp toàn thân, do việc sử dụng thuốc bôi trên một diện tích da lớn thường không mang lại hiệu quả cao, gây tăng chi phí và có thể dẫn tới nhiều nguy cơ tới gan, thận do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Chiếu tia cực tím (UV) từ lâu đã được công nhận là có lợi cho việc kiểm soát các tổn thương da vảy nến. Tia UV có tác dụng chống tăng sinh, giảm sừng hóa và kháng viêm. Tuy nhiên, khi lựa chọn liệu pháp ánh sáng, điều quan trọng là phải cân nhắc rằng tia cực tím có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ ung thư da.

Các phương pháp quang trị liệu bao gồm chiếu tia cực tím B (UVB), tia UVB phổ rộng, uống hoặc tắm psoralen kết hợp với quang trị liệu tia cực tím A (PUVA). Liệu pháp ánh sáng thường được thực hiện ba lần một tuần trong suốt quá trình điều trị, khi có sự cải thiện thì tần suất có thể giảm xuống ít nhất để duy trì. Quy trình này nên được giám sát bởi bác sĩ da liễu được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. 

Liệu pháp ánh sáng trên thực tế cho thấy kết quả tốt trên nhiều bệnh nhân mắc bệnh vảy nến dạng nặng, tuy nhiên chi phí là điều cần cân nhắc khi sử dụng phương pháp điều trị này. 

vay nen the mang
Liệu pháp ánh sáng mang lại hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn so với dùng thuốc

Điều trị lối sống

Cùng với thuốc và vật lý trị liệu, quản lý lối sống là rất quan trọng đối với bệnh nhân vảy nến thể mảng. Điều này giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến mảng bám. 

Tâm lý và lối sống cũng tác động không nhỏ đến diễn biến của bệnh. Trầm cảm, lo lắng, uống rượu, hút thuốc, béo phì,… sẽ khiến bệnh bùng phát mạnh và dai dẳng hơn. Vì vậy, bệnh nhân đang điều trị vảy nến thể mảng cần thực hiện những điều sau: 

  • Hãy kiểm soát lối sống của bạn, thay đổi khoa học cho chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi của bạn.
  • Tập thể dục thường xuyên, giảm cân nếu cần thiết và duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Giảm căng thẳng, không sử dụng chất kích thích. 
  • Không làm trầy xước da vì điều này sẽ khiến vảy nến mới hình thành trên da.
  • Không sử dụng nước nóng và xà phòng có thành phần mạnh khi bị bệnh, vì điều này có thể làm hỏng vùng da bị tổn thương do vảy nến. 
  • Cẩn thận với những thực phẩm chứa nhiều đạm và tanh như cá, tôm, cua, ghẹ,…
  • Ngừng sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá,… Tránh tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội đầu, mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc.

Một số lưu ý cho bệnh vảy nến thể mảng

Đối với bệnh vảy nến, việc phòng ngừa và hạn chế cho bệnh bùng phát trở lại sau khi điều trị là rất quan trọng. Vì vậy, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để tránh gặp phải căn bệnh này

  • Vảy nến không có thuốc chữa: Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hầu hết các loại thuốc mà bệnh nhân dùng là để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân phải chuẩn bị tâm lý mang bệnh suốt đời. Tuy nhiên, việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ với chế độ ăn uống, tập thể dục và lối sống lành mạnh sẽ rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng và khó chịu của bệnh. 
  • Ai cũng có thể mắc bệnh: Bất kể nam hay nữ, già hay trẻ, ai cũng có thể là người mắc bệnh vảy nến. Bệnh phổ biến nhất ở những người trên 20 tuổi, nhưng có thể thấy ở cả những người trên 50 tuổi và trẻ em.
  • Không lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc nam: Nhiều bệnh nhân tự mua thuốc uống hoặc uống, đặc biệt là thuốc kháng sinh, gây khó khăn cho việc kê đơn của bác sĩ, dễ dẫn đến kháng kháng sinh hoặc tương tác thuốc. Việc sử dụng thuốc nam cũng cần thận trọng, một số thuốc nam không đảm bảo hiện nay có thể khiến bệnh nặng hơn hoặc chứa nhiều corticoid gây suy tuyến thượng thận, bệnh chuyển hóa, tim mạch, loãng xương,… nếu dùng lâu dài.
vay nen the mang
Vảy nến là bệnh mãn tính và có thể gặp ở bất kỳ ai

Tóm lại, vảy nến thể mảng mạn tính là bệnh da liễu phổ biến. Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh được áp dụng hiện nay, tuy nhiên tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà chúng ta có cách điều trị phù hợp. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị thích hợp.

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *