Vảy Nến Da Mặt: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị

Tình trạng vảy nến da mặt là hiện tượng tăng sinh và viêm tế bào tại khu vực da trên mặt như lông mày, trán trên, đường chân tóc, phần da giữa môi và mũi. Không như vị trí khác trên cơ thể, vùng da trên mặt mỏng và vô cùng nhạy cảm nên cần đặc biệt cẩn trọng khi điều trị. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cung cấp các phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh vảy nến da mặt là gì?

Bệnh vảy nến da mặt không giống với các bộ phận khác trên cơ thể vì vùng da khu vực này vốn mỏng hơn và nhạy cảm hơn rất nhiều, nên cần các phương pháp điều trị hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận. Bệnh nhân gặp tình trạng vảy nến da mặt nhiều nhất ở các vùng lông mày, da giữa mũi và môi trên, trán và đường chân tóc.

vay nen da mat
Bệnh vảy nến da mặt bắt nguồn từ vảy nến da đầu lan xuống mặt

Cũng giống như bệnh vẩy nến trên bộ phận khác trên cơ thể, hiện nay các chuyên gia chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng nào của bệnh vẩy nến trên khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu chỉ xác định được các yếu tố di truyền thống và cả hệ thống miễn dịch đều đóng góp phần lớn trong sự hình thành bệnh. 

Các triệu chứng thường thấy của vảy nến da mặt

Bệnh nhân bị vảy nến trên mặt là kết quả của bệnh vảy nến da đầu không được chú trọng điều trị sớm và đúng cách. Thông thường, lớp vảy này sẽ xuất hiện từ phần chân tóc (nhiều người nhầm lẫn đó là gàu). Về sau, vảy nến lan xuống các khu vực như:

  • Lông mày.
  • Phần da giữa môi và mũi.
  • Trán trên.

Tùy vào khu vực xuất hiện vảy nến trên mặt mà các triệu chứng biểu hiện bệnh không giống nhau:

  • Vảy nến ở mí mắt: Lớp vảy trắng hoặc đỏ che phủ hàng mi, vành mi mắt có màu đỏ, cứng hơn bình thường, vành mi mắt có thể hướng lên/cụp xuống dưới gây căng mí mắt, thậm chí tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn đến viêm mí mắt.
  • Vảy nến ở mắt: Mắt bị kích thích, khô nhức và khó khăn khi quan sát.
  • Vảy nến ở tai: Vảy tích tụ chặn thành ống tai, gây ảnh hưởng lớn đến thính lực, thường không ảnh hưởng đến tai trong.
  • Vảy nến ở miệng: Khu vực lưỡi hoặc lợi, trong má, mũi, trên môi xuất hiện lớp vảy màu trắng hoặc xám.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vảy nến xuất hiện trên vùng mặt

Cũng giống như bệnh vảy nến nói chung, hiện nay các bậc chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng vảy nến trên mặt. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có liên quan đến gen và hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khoảng 40% những người mắc chứng vảy nến trên da có ít nhất một thành viên trong gia đình cũng liên quan đến căn bệnh này. Bên cạnh đó, việc kích hoạt và hoạt động kém của hệ thống miễn dịch cũng dẫn đến viêm, tăng sinh tế bào da.

Tuy nhiên, bệnh vẩy nến da mặt cũng có thể xảy ra do sự hoạt động quá mức của các tế bào T trong hệ thống miễn dịch. Loại tế bào này đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và các tác nhân truyền nhiễm. Khi một người bị bệnh vẩy nến, cơ thể sẽ kích hoạt các tế bào T trong trường hợp không có bất kỳ sự nhiễm trùng nào. Các tế bào T kích hoạt các phản ứng viêm khác nhau khiến các tế bào da phát triển quá nhanh, gây ra các triệu chứng của bệnh.

vay nen da mat
Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh bắt nguồn từ hệ thống miễn dịch và gen di truyền

Mặc dù nguyên nhân gây bệnh rõ ràng nhưng các yếu tố sau đây được xác định sẽ làm tăng nguy cơ bệnh vảy nến trên mặt trở nặng, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình xuất hiên người từng mắc bệnh vảy nến.
  • Tiền sử bị nhiễm trùng da nặng.
  • Chấn thương da từ phẫu thuật, tai nạn…
  • Bức xạ của tia cực tím.
  • Nhiễm nấm trên da, đặc biệt là nấm Malassezia.
  • Sử dụng các chất kích thích bao gồm: Hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê hay các thức uống chứa cafein,…
  • Thiếu Vitamin D, béo phì, tâm lý căng thẳng, stress,…

Các phương pháp khắc phục và điều trị tình trạng vảy nến da mặt

Như đã nói ở trên, bệnh vảy nến da mặt gặp nhiều khó khăn trong điều trị bởi đây là khu vực da mỏng và nhạy cảm. Cho đến nay, bệnh vảy nến da mặt chưa có cách chữa hay thuốc điều trị đặc hiệu đẩy lùi dứt điểm. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh cũng như đưa ra một số đề xuất để kiểm soát được bệnh, giúp người bệnh có thể chung sống hòa bình suốt đời với bệnh. 

Một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân vảy nến da mặt bao gồm:

Thuốc điều trị Tây y

Tùy vào mức độ của bệnh và tổn thương da, bác sĩ sẽ kê toa một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc, tùy thuộc vào mức độ tổn thương da của bạn. Chẳng hạn như:

  • Corticoid: Bao gồm các loại thuốc mỡ, kem bôi, thuốc xịt để làm giảm đỏ và sưng viêm da tại chỗ. Người bệnh chỉ nên dùng Corticoid tại chỗ trong một thời gian ngắn, tối đa một vài tuần/lần. Nếu sử dụng với liều lượng quá nhiều, chúng có thể làm da bị mỏng đi, trong suốt, dễ bị bầm tím, dễ rách, dễ rạn và làm lộ các mạch máu dưới da dù không có nhiều tác động.
  • Vitamin D tổng hợp: Bao gồm các loại thuốc mỡ hoặc kem Calcipotriol (Daivonex , Sorilux) hoặc  Calcitriol (Rocaltrol, Vertical) – một loại thuốc vitamin D mới hơn, có khả năng làm chậm sự phát triển của các tế bào da cũng như giảm hình thành vảy, sừng. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây kích ứng da mặt với một số cơ địa bệnh nhân. 
  • Retinoids: Ví dụ như gel Tazarotene (Tazorac), giúp loại bỏ vảy nến và giảm viêm trên da mặt. Thuốc cũng có thể gây ra một số kích ứng tùy mức độ ở làn da nhạy cảm.
  • Thuốc ức chế Calcineurin tại chỗ: Một số loại thuốc như Pimecrolimus (Elidel) hoặc Tacrolimus (Protopic) chứa Calcineurin có tác dụng ức chế hoạt động quá mức của tế bào T – nguyên nhân gây nên những phản ứng dị ứng quá mẫn của hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc có liên quan đến nguy cơ ung thư. Vậy nên, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc mỡ Crisaborole (Eucrisa): Giúp làm giảm triệu chứng châm chích, ngứa ngáy và giảm viêm hiệu quả.
  • Lotion, kem dưỡng ẩm: Làm dịu da, giảm cảm giác sưng đỏ, ngứa ngáy hay khô da do bệnh vảy nến.
  • Axit Salicylic: Giảm hiện tượng bong sừng, bóc vảy trên da, sát trùng và giảm nguy cơ viêm nhiễm trên da. Thuốc có thể gây kích ứng từ nhẹ đến nặng khi dùng kéo dài nếu không hợp cơ địa người bệnh.
  • Coaltar (dẫn xuất than đá – nhựa than đá): Có nguồn gốc từ than đá, có trong dầu gội, kem và dầu không cần kê đơn. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và giảm thiểu sự gia tăng của tế bào sừng. 
  • Thuốc uống khác: Apremilast (Otezla), Methotrexate ( Trexall ), Cyclosporine (Neoral), Retinoids liều thấp, kháng sinh, chống nấm, giảm đau, chống dị ứng, thuốc sinh học,… tùy thuộc vào triệu chứng cũng như mức độ nặng của tình trạng vảy nến da mặt.
vay nen da mat
Bệnh nhân nên dùng đúng liều lượng các loại thuốc kê toa để điều trị bệnh

Để sử dụng thuốc điều trị bao gồm cả thuốc bôi tại chỗ trên mặt an toàn và đúng cách, người bệnh cần chú ý:

  • Chỉ sử dụng một lượng thuốc nhỏ, vừa đủ với diện tích vùng da mặt cần điều trị, theo chỉ định của bác sĩ hoặc của nhà sản xuất ghi trên nhãn thuốc.
  • Cẩn thận khi bôi hoặc thoa thuốc lên vùng da xung quanh mắt. Một số loại thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc mắt, ví dụ như thuốc ức chế Calcineurin,…
  • Dùng thuốc điều trị theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua hoặc bôi thuốc, không dừng hoặc thay đổi thuốc trong thời gian đang điều trị để tránh gây tác dụng phụ.
  • Nếu sau một thời gian điều trị, thuốc bôi của bạn không đem lại tác dụng cải thiện triệu chứng mà còn gây ra thêm nhiều tác dụng phụ cần thông báo ngay với bác sĩ để được thay đổi thuốc hoặc có biện pháp điều trị thích hợp hơn.

Quang trị liệu chữa vảy nến cho vùng da mặt

Một số biện pháp có sử dụng tia cực tím (UV) giúp chiếu trực tiếp lên da (còn được gọi là liệu pháp quang học hay điều trị ánh sáng) giúp làm chậm sự phát triển của tế bào da.

Một số liệu pháp ánh sáng khuyên dùng:

  • Ánh sáng tự nhiên: Sử dụng nguồn tia cực tím từ ánh sáng mặt trời tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo.
  • Quang trị liệu UVB: Sử dụng tia UV từ nguồn nhân tạo để làm chậm tốc độ tăng trưởng cũng như bong tróc tế bào da.
  • Quang trị liệu UVB băng hẹp: Là loại điều trị UVB mới hơn, có nhiều ưu điểm hơn.
  • Liệu pháp Goeckerman: Sử dụng kết hợp tia UVB và nhựa than đá (Coaltar), chỉ định sử dụng cho người bị vảy nến ở mức độ trung bình – nhẹ.
  • Psoralen cộng với tia cực tím A (PUVA): Thuốc khiến cho làn da của người bệnh nhạy cảm hơn với ánh sáng. Khi sử dụng tia PUVA, bạn cần dùng Psoralen trước, sau đó điều trị bằng tia UVA.
  • Laser Excimer: Liệu pháp này sử dụng chùm tia UVB có kiểm soát và kiểm soát một khu vực da mặt nhỏ, bị tổn thương bởi vảy nến mà không gây ảnh hưởng đến các vùng da khác xung quanh. Laser Excimer được khuyến khích áp dụng cho những bệnh nhân mắc vảy nến ở mức trung bình.

Cải thiện bệnh bằng các nguyên liệu tự nhiên ngay tại nhà

Một số công thức hỗ trợ chữa vảy nến da mặt bằng những nguyên liệu thiên nhiên dưới đây sẽ giúp người bệnh giảm bớt những triệu chứng bong vảy và ngứa ngáy, khó chịu mà bạn có thể tham khảo:

  • Dùng dấm táo cải thiện vảy nến: Pha 2 thìa giấm táo và 2 thìa sữa tươi không đường rồi thoa lên vùng da đang bị vảy nến. Mát xa nhẹ và giữ nguyên trong vòng 30 phút. Sau đó rửa lại với nước sạch.
  • Sử dụng nha đam (lô hội): Lấy phần thịt bẹ lá nha đam bôi trực tiếp lên vùng da bị vảy nến giúp cấp ẩm, làm mềm da. Thực hiện mỗi ngày 1 lần và liên tục trong vài tuần hoặc đến khi bệnh thuyên giảm.
  • Giảm vảy nến da mặt bằng bột yến mạch: Bột yến mạch cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất nên rất cần thiết cho quá trình điều trị và chăm sóc da mặt bị vảy nến. Có thể đắp một mình bột yến mạch hoặc kết hợp thêm với sữa chua không đường giúp giảm mẩn đỏ và viêm da.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tự pha chế một vài loại mặt nạ giúp cấp ẩm, chống bong tróc vừa hỗ trợ hồi phục da như sữa chua, khoai tây, dưa leo, trứng gà, mật ong,…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những biện pháp trị vảy nến da mặt bằng mẹo dân gian trên đây chỉ áp dụng với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới mắc. Không sử dụng chúng đối với trường hợp da mặt tổn thương nghiêm trọng, có dấu hiệu viêm nhiễm hoặc vết thương hở.

vay nen da mat
Sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên giúp bệnh nhân hạn chế triệu chứng bệnh ở mức độ nhẹ

Áp dụng phương pháp Đông y

Trong Đông y bệnh vảy nến nói chung còn được gọi là bạch sang, hay tùng bì tiễn. Đây là một dạng bệnh viêm da mãn tính mà căn nguyên theo Y học cổ truyền là do sự tác động của những nhân tố ngoại tà như hàn, thấp, nhiệt khi chính khí cơ thể suy yếu sẽ dẫn tới rối loạn chức năng điều hoà cơ thể và gây chứng huyết nhiệt, huyết táo nên không dưỡng được da mà gây bệnh.

Đông y chú trọng chữa bệnh tận gốc và loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến bằng việc tác động lên toàn bộ các phủ tạng, đặc biệt là gan và thận để tăng chức năng giải độc và bài tiết độc tố. Đồng thời các bài thuốc Đông y cũng chú trọng việc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khoẻ và nâng cao hệ miễn dịch để ngăn ngừa tái phát bệnh.

Một số bài thuốc Đông y được thầy thuốc áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh vảy nến trên khuôn mặt như sau:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị dược liệu gồm hà thủ ô 20g, khương hoạt 16g, đương quy 20g, thổ phục linh 40g, sinh địa 16g, huyền sâm 12g, ké đầu ngựa 16g, oai linh tiên 12g. Cho các dược liệu vào ấm sắc với 500ml nước, chia thành 3 chén uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị các dược liệu gồm huyền sâm, kim ngân hoa, sinh địa, hà thủ ô, ké đầu ngựa, vừng đen mỗi vị 12g. Sắc các dược liệu trên với 500ml nước, đợi khi sôi thì chắt thành 3 cốc và uống trong ngày.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn vị các dược liệu gồm ma hoàng 15g, sa sâm 12g, qui đầu 12g, bạch thược 12g, sinh địa 12g, quế chi 15g. Đem sắc uống hằng ngày, mỗi ngày 1 thang, kiên trì trong 3 tuần bệnh sẽ cải thiện.

Hướng dẫn cách chăm sóc khi bị vảy nến trên khuôn mặt

Tự chăm sóc da mặt tại nhà là vấn đề cần hết sức cẩn trọng và cần thiết để sống chung với vảy nến. Các mẹo sau đây sẽ giúp làm dịu các vùng da bị tổn thương và hỗ trợ cho quá trình điều trị vảy nến.

  • Đừng gãi: Hãy nhẹ nhàng với làn da của bạn. Chườm lạnh lên vùng da bị vảy nến sẽ giúp giảm bớt cảm giác khó chịu, ngứa ngáy trên da. Dưỡng ẩm cho vùng da bị vẩy nến không thể chữa lành bệnh nhưng giúp cân bằng độ ẩm, giảm ngứa và bong tróc,…
  • Thoa kem chống nắng mỗi ngày: Bôi kem chống nắng có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư da và nếp nhăn lão hóa. Người bị vẩy nến da mặt cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm bệnh nặng hơn.
  • Chọn lựa kĩ mỹ phẩm trang điểm: Bạn cần hỏi bác sĩ lời khuyên về loại mỹ phẩm nên dùng để che khuyết điểm. Người bệnh không nên chủ quan và dùng mỹ phẩm bởi nhiều sản phẩm tác động xấu đến làn da và làm giảm hiệu quả trong quá trình điều trị.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh vảy nến. Bệnh nhân có thể hạn chế triệu chứng bằng cách tập thể dục, thiền, dành thời gian để thư giãn và dành thời gian cho việc bạn thích. Cân bằng tốt tâm lý giúp giảm thiểu những đợt bùng phát và tạo ra năng lượng tích cực trong cuộc sống.

Trên đây là một vài thông thông tin tổng quát về bệnh vảy nến da mặt và cách điều trị. Nếu có bất kỳ vấn đề về bệnh cần được tư vấn, bệnh nhân hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ da liễu để được hỗ trợ.

ArrayArray

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *